Friday, July 14, 2017

Mẫu quy chế văn hoá công ty KT

A . NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích - ý nghĩa :
1.      Quy chế văn hóa của Công ty THUVIENTHOTH là những qui tắc chung về chuẩn mực
văn hóa, được xây dựng và hình thành trên cơ sở những nét văn đặc trưng của Công ty.  
2.            Hệ thống các giá trị văn hóa này là tài sản văn hóa vật chất và tinh thần, là sự kế thừa truyền thống và bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, của Tập đoàn THOTH từ khi hình thành và phát triển đến nay.

3.            Mục đích xây dựng Văn hóa Công ty:
a) Xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, nhân cách, môi trường làm việc có văn hóa với phong cách ứng xử giải quyết công việc thống nhất, khoa học, lịch thiệp.. nhằm đạt hiệu quả cao trong mọi hoạt động, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CB-CNV và Văn hoá doanh nghiệp. 
b) Xây dựng mối quan hệ hợp tác, tương trợ giữa các thành viên trong Công ty dựa trên cơ sở tin cậy, đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích chung.
c) Xây dựng hình ảnh, uy tín của Công ty với những ấn tượng tốt đẹp về giá trị văn hóa đặc trưng của Công ty trong xã hội, cộng đồng, tạo nên những lợi thế cạnh tranh cũng như quảng bá hình ảnh, thương hiệu của Công ty .

Điều 2. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh :

         Qui chế này là cơ sở để định hướng hành vi CB-CNV của  Công ty trong giao tiếp ứng xử, trong mối quan hệ làm việc và khi thực thi nhiệm vụ ; qui định về trang phục và sắp xếp bài trí trong văn phòng làm việc, phòng họp và tại khu vực công cộng trong toàn Công ty.
            Qui chế này được áp dụng đến tất cả CB-CNV đang công tác và làm việc tại Công ty .

Điều 3 . Nguyên tắc xây dựng và thực hiện :

Các qui định trong qui chế này mang tính kế thừa những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp, thể hiện ý chí, nguyện vọng của toàn thể CB-CNV trong Công ty, xác lập những qui tắc, tiêu chí văn hóa ứng xử, tạo nên bản sắc Văn hóa của Công ty.
Những qui  tắc, tiêu chí văn hóa được nêu trong qui chế đảm bảo tính thống nhất, khả thi, phù hợp với thực tiễn, được mọi người tự giác thực hiện, trở thành nếp sống, sinh hoạt và làm việc cho CB-CNV trong Công ty.
Việc xây dựng, thực hiện chuẩn mực văn hóa doanh nghiệp là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, tổ chức đoàn thể và của mỗi CB-CNV trong Công ty.
           
Qui chế văn hóa này phù hợp với các qui định của Pháp luật và các giá trị văn hoá truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

             

B - CÁC CHUẨN MỰC VĂN HÓA CÔNG TY


Mục I : Văn hóa trong giao tiếp - ứng xử :    

   -     Ứng xử đúng mực, lịch thiệp trong giao tiếp, thể hiện văn hoá, nhân cách của mỗi người, phù hợp với văn hoá và đạo lý của dân tộc và nếp sống văn minh.
   -     Thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Cấp dưới kính trọng, lễ phép với cấp trên, người trẻ tuổi kính trọng, lễ phép với người nhiều tuổi. Cấp trên tôn trọng cấp dưới.

Điều 4.  Qui tắc về chào hỏi – giao tiếp :


1.          Qui tắc về chào hỏi :
Tất cả CB-CNV khi giao tiếp với cấp trên, đối tác, khách hàng, đồng nghiệp... đều phải thực hiện chào hỏi.       
a)   Chào hỏi là một nghi thức quan trọng đầu tiên trong quan hệ giao tiếp, giữa cấp dưới với cấp trên, giữa mỗi CB-CNV với đối tác, khách hàng, đồng nghiệp và các mối quan hệ khác.
b)  Việc chào hỏi phải phù hợp với tuổi tác, chức vụ và môi trường công tác. Tùy những mối quan hệ cụ thể mà có cách chào hỏi khác nhau, song phải tuân theo phong tục tập quán của người Việt Nam và xu thế hội nhập giao lưu quốc tế.
c)  Lời chào phải thể hiện thái độ thân thiện, tùy thuộc đối tượng, hoàn cảnh có thể kèm theo cử chỉ bắt tay thân mật và thể hiện thái độ tôn trọng.
d)  Xưng hô trong giao tiếp, quan hệ công việc ở Công ty: chỉ nên chào, gọi là : anh (chị ), em và xưng hô mình là tôi, anh (chị) hoặc em khi giao tiếp.
2.      Các nguyên tắc giao tiếp của cấp quản lý đối với nhân viên :
Giao tiếp giữa các cấp lãnh đạo, quản lý với nhân viên là mối quan hệ nhằm chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn công việc, khuyến khích, thúc đẩy nhân viên làm việc tích cực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Do đó cần phải:
   a)  Thể hiện đúng cương vị, trách nhiệm của mình, bảo vệ, giữ gìn uy tín của cá nhân.
   b)  Đối xử công bằng, văn minh, tôn trọng danh dự - nhân phẩm, quan tâm và kịp thời  động viên nhân viên để hoàn thành tốt công việc.
   c)  Có thái độ, văn hoá giao tiếp đúng mực để nhân viên có thể trình bày, trao đổi những suy nghĩ, thắc mắc và yêu cầu của mình.
3.      Các nguyên tắc giao tiếp của nhân viên đối với các cấp quản lý :
        Giao tiếp giữa nhân viên với cấp quản lý là mối quan hệ được hiểu là sự phản hồi thông tin, báo cáo công việc của cá nhân hay tập thể lên cấp quản lý, lãnh đạo tùy theo yêu cầu nhiệm vụ và giao tiếp khác. Giao tiếp của nhân viên đối với cấp quản lý cần đảm bảo nguyên tắc sau:
   a)  Tuân thủ và phục tùng các quyết định, quy định, mệnh lệnh, yêu cầu của cấp trên theo đúng vai trò, vị trí công tác của mình và nhiệm vụ được giao .
   b)  Thể hiện lễ phép, kính trọng trong giao tiếp, ứng xử với cấp trên khi thực hiện nhiệm vụ cũng như trong giao tiếp, sinh hoạt.
   c)  Thẳng thắn, trung thực, tận tâm làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.
4.      Giao tiếp và ứng xử với đồng nghiệp :
  Trong giao tiếp và ứng xử với đồng nghiệp phải có thái độ trung thực, thân thiện và hợp tác.

 

Điều 5:   Nguyên tắc giao tiếp với đối tác, khách hàng :

1.      Tôn trọng, lắng nghe ý kiến của khách; niềm nở thân thiện, biết thuyết phục và tạo sự tin tưởng ở khách hàng để họ an tâm sử dụng sản phẩm dịch vụ của  Công ty.
2.      Quan tâm chăm sóc khách hàng: Tìm hiểu những tập quán, phong tục, thị hiếu, thẩm mỹ của các đối tác, đối tượng khách phục vụ để làm hài lòng khách hàng.
3.      Với những hoạt động dịch vụ mang tính tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, cần phải có thái độ tiếp đón, phục vụ ân cần, niềm nở, lịch sự, nhã nhặn, tận tình và chu đáo.
4.      Đối với những đối tác của đơn vị, cần thể hiện thiện chí hợp tác làm việc, trên cơ sở bình đẳng, đảm bảo lợi ích hợp pháp của cả hai bên.
5.      Trong giao tiếp với cộng đồng, CB-CNV thực hiện việc bảo vệ uy tín những dịch vụ sản phẩm của  Công ty đồng thời tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Công ty ở mọi lúc mọi nơi khi có điều kiện.

Mục II - Văn hoá trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của Cty :


Điều 6: Những nguyên tắc trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty:

Công ty cam kết thực hiện các nguyên tắc kinh doanh cơ bản sau:
1.      Kinh doanh đúng pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách và luật pháp trong kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước.
2.      Tôn trọng khách hàng. Xem trọng chữ tín trong kinh doanh, đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ cung cấp cho khách hàng.            
3.      Tôn trọng và đảm bảo thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong phạm vi trách nhiệm của Công ty; gắn kết hài hòa, hợp lý lợi ích giữa các bên.

Điều 7. Quy định về ý thức, tác phong làm việc của nhân viên

Mỗi CB-CNV của  Công ty có nhận thức thống nhất là Công ty không chỉ quan tâm đến kết quả công việc mà còn quan tâm đến việc kết quả đó được thực hiện như thế nào. Để đạt được thành công trong công việc, mỗi CB-CNV cần phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau:
1.      Về ý thức làm việc :
   a)   Chấp hành nghiêm các nội quy, quy định của  Công ty về kỷ luật lao động, an toàn vệ sinh lao động.
   b)   Thái độ làm việc nghiêm túc, sử dụng thời gian làm việc hợp lý, hiệu quả.
   c)   Làm việc chăm chỉ với tinh thần trách nhiệm cao, có tinh thần chủ động, ý thức khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
   d)   Thường xuyên học tập để nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
2.      Về tác phong làm việc :
   a)   Thể hiện giao tiếp trí thức, lịch sự, văn minh, thái độ vui vẻ, khiêm tốn.
   b)   Tác phong làm việc năng động, thái độ làm việc tích cực,có trách nhiệm với công việc.
   c)   Chủ động tự giác trong công việc.
   d)   Có ý thức hợp tác, cầu tiến, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ.
3.      Trang phục làm việc :
   a)   Khi thực hiện nhiệm vụ phải mặc đúng trang phục, chỉnh tề, gọn gàng, lịch sự.
   b)  CB-CNV có trang phục theo đặc thù công việc thì phải thực hiện theo đúng qui định.
4.      Thẻ CB-CNV :
   a)   CB-CNV phải đeo thẻ CB-CNV khi thực hiện nhiệm vụ.
   b)   Sử dụng thẻ thống nhất theo mẫu và cách đeo thẻ đúng như qui định.

Mục III - Môi trường Văn hóa trong Công ty :


Điều 8. Xây dựng môi trường làm việc, nếp sống văn hoá trong Công ty

 Mỗi CB-CNV trong  công ty có trách nhiệm:
      1.   Xây dựng môi trường làm việc văn hóa sạch, đẹp, an toàn.
   a) Giữ vệ sinh nơi làm việc, nơi công cộng
   b) Sắp xếp văn phòng, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng, sạch đẹp.
     c) Trong giờ làm việc đi lại, nói năng nhẹ nhàng, không làm ảnh hưởng tới môi trường làm việc của người khác.
   d) Có ý thức bảo vệ cây xanh trong khuôn viên Công ty, giữ gìn tài sản, trang thiết bị của  Công ty như của chính mình .
   e) Tuân theo các quy định của Công ty trong việc đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ.
2.   Xây dựng nếp sống kỷ cương, kỷ luật:
         a) Thực hiện tốt nội quy, kỷ luật của Công ty
   b) Thực hiện tác phong công nghiệp: làm việc có kỷ luật, nề nếp, khoa học.
   c) Xây dựng công sở văn minh, không chửi thề nói tục, chơi cờ bạc, hút thuốc lá nơi làm việc và trong khuôn viên Cty .
   d) Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các hoạt động hàng ngày của Công ty.
   e) Giữ gìn thuần phong mỹ tục và đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc.


Mục IV- Văn hoá  hội họp trong  Công ty


Điều 9. Tổ chức các cuộc họp trong  Công ty :

1.      Mục đích của hội họp nhằm trao đổi thông tin, kiểm soát công việc, tổng kết các hoạt động, phong trào ...
2       Các quy định về hội họp:
2.1.   Yêu cầu đối với Ban tổ chức
   a)   Có chương trình, nội dung làm việc cụ thể, khoa học.
   b)   Tiến hành hội họp phải bảo đảm tính dân chủ, thời gian và đạt hiệu quả.
   c)   Thể hiện sự nghiêm túc, trang trọng.
   d)   Hội họp, hội thảo  phải có kết luận về vấn đề thảo luận, rút kinh nghiệm.
2.2.   Yêu cầu đối với cá nhân tham dự
   a)   Lễ phục của CB-CNV sử dụng trong những buổi lễ, mít tinh, hội nghị trọng thể và các cuộc tiếp khách :
- Lễ phục của nam:   Quần áo đồng phục, caravat
- Lễ phục của nữ:      Quần áo đồng phục nữ hoặc áo dài truyền thống .
   b)   Đến dự đúng giờ, không tự động ra về khi cuộc họp chưa kết thúc.
   c)   Tôn trọng và lắng nghe các ý kiến trong cuộc họp.
      d)  Tuân thủ quy định của cuộc họp: Không nói chuyện riêng, không đọc sách báo, tắt điện thoại di động hoặc để chế độ rung, giữ vệ sinh chung.. trong cuộc họp.
     e)   Cá nhân tham gia các cuộc họp phải tích cực phát biểu với tinh thần xây dựng vì lợi ích của Công ty, tập thể, đồng nghiệp, nội dung đầy đủ, ngắn gọn và rõ ràng.

Mục V - Nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho CB-CNV  Công ty


Điều 10. Mục đích các hoạt động văn hoá tinh thần trong Công ty

Một trong những mục tiêu quan trọng của Công ty là xây dựng Công ty trở thành một đại gia đình, trong đó tập thể quan tâm tới mỗi thành viên và mỗi thành viên đều quan tâm đến tập thể, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ nhau để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ của Công ty và trong cuộc sống. Để thực hiện được mục tiêu này cần tập trung vào các nội dung chính như sau:
1.     Hoạt động giáo dục truyền thống.
   a) Thông tin, tuyên truyền về quá trình hình thành, phát triển của Công ty, về các thành tích của Công ty  đã đạt được.
   b) Tổ chức cho CB-CNV đi tham quan - du lịch hàng năm, tạo nên các trò chơi thú vị, bổ ích mang tính giáo dục cao.
   c) Xây dựng phòng đọc sách, phòng truyền thống  nhằm bảo tồn và giới thiệu về truyền thống các giá trị văn hóa của Công ty.
 2.     Hoạt động chăm lo,  quan tâm tới đời sống tinh thần của CB-CNV
    a)  Tại các đơn vị, bộ phận tổ chức kỷ niệm ngày sinh nhật cho CB-CNV chu đáo, ân  cần, đảm bảo tiết kiệm.
    b) Tiếp tục duy trì và thực hiện một cách chu đáo sự quan tâm của tập thể đối với CB-CNV và thân nhân trong các trường hợp cưới hỏi, ma chay, ốm đau, khi gia đình CB-CNV có hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ.
    c) Quan tâm tới các cháu là con của CB-CNV trong  Công ty:  khen thưởng các cháu có thành tích xuất sắc trong học tập; Tổ chức các hoạt động tham quan, sinh hoạt trong các ngày Tết thiếu nhi, Trung thu, trong các dịp nghỉ hè của các cháu.

Điều 11. Hoạt động Văn nghệ - Thể thao quần chúng.

Hoạt động văn hoá văn nghệ - thể thao quần chúng..không chỉ mang lại bầu không khí đoàn kết, tăng cường hiểu biết, rèn luyện nâng cao sức khoẻ mà còn là hình thức tạo khí thế vui, khoẻ  nâng cao đời sống tinh thần của CB-CNV trong đời sống, sinh hoạt và công tác.

Điều 12. Hoạt động Tương thân - tương trợ & Xã  hội từ thiện:

Phát huy nét văn hoá truyền thống tốt đẹp của tập đòan Kim Tín , các tổ chức đoàn thể, cá nhân CB-CNV cần thực hiện các nội dung sau:
1.      Tích cực thực hiện và duy trì các hoạt động Xã hội từ thiện, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn của Công ty cũng như tham gia vào các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, các chương trình nhân đạo, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội và cộng đồng.
2.      Vận động, khuyến khích CB-CNV trong Công ty nêu cao tinh thần tương thân tương ái, tự nguyện đóng góp mỗi khi nhân viên gặp hòan cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ của mọi người.


C -  BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN


Quy chế văn hoá Công ty được triển khai thực hiện thống nhất trong toàn Cty và được mọi người đồng thuận, thực hiện một cách tự nguyện, với niềm hãnh diện, tự hào là thành viên của Công ty và cần phải có sự thống nhất từ tập thể lãnh đạo và đến toàn thể CB-CNV để xây dựng, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của Công ty, vì vậy mọi người phải có trách nhiệm thực hiện tốt những vấn đề cụ thể sau:

Điều 13. Đối với các cấp Lãnh đạo :

Các cấp lãnh đạo cần khuyến khích và động viên nhân viên, phát huy năng lực của mỗi người; tạo môi trường làm việc thân thiện, cởi mở, được tôn trọng và tin cậy lẫn nhau nhằm liên kết sức mạnh tập thể, cụ thể :
1.     Cấp lãnh đạo và quản lý phải gương mẫu thực hiện quy chế văn hóa của Công ty; bảo đảm tính tổ chức và trật tự hệ thống, đoàn kết, thống nhất trong điều hành và chỉ đạo.
2.     Phát huy tính sáng tạo, tinh thần dân chủ , tạo điều kiện thuận lợi cho CB-CNV trong công việc, tôn trọng và khuyến khích CB-CNV tham gia ý kiến và có sáng kiến cải tiến trong công việc.
3.     Có chính sách đào tạo, tuyển dụng và duy trì đội ngũ nhân viên có trình độ, đáp ứng yêu cầu phát triển của Công ty; phát hiện và bồi dưỡng những nhân tố mới để đề bạt vào những vị trí phù hợp.
4.     Khen thưởng, động viên kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự phát triển của Công ty. Đồng thời, nghiêm khắc xử lý những trường hợp vi phạm nội qui kỷ luật của Công ty.

Điều 14.  Đối với CB-CNV  trong  Công ty

      Mỗi CB-CNV của Công ty, cần phát huy hết khả năng của mình trong lao động sáng tạo và tinh thần đoàn kết hợp tác, thực sự là nguồn tài sản vô giá của Công ty. Sự phát triển của Công ty không thể tách rời sự đóng góp, cống hiến của mỗi cán bộ, công nhân viên . Chính sự nỗ lực, cố gắng của mỗi thành viên đã và đang góp phần xây dựng hình ảnh, uy tín của Công ty, khẳng định và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp . Cụ thể :
1.   Nỗ lực xây dựng hình ảnh Công ty trên thị trường là một Doanh nghiệp năng động, phát triển bền vững.
2.   Thực hiện tốt và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của Công ty.
3.   Nhiệt tình trong công việc, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và gắn bó với Công ty.
4.   Sống chân thành, cởi mở, khiêm tốn, hoà mình vào tập thể.
5.   Quan hệ tốt với đồng nghiệp, với cấp trên, với khách hàng.
6.      Thực hiện tốt các điều khoản của Quy chế văn hoá Công ty quy định

Điều 15 . Khen thưởng – kỷ luật :


1.      Khen thưởng : CB-CNV thực hiện tốt quy chế và có những thành tích nổi bật..sẽ được xét khen thưởng thành tích theo quy chế khen thưởng của Cty.

2.      Kỷ luật : 
Việc thực hiện quy chế Văn hoá Công ty được xem như một nhiệm vụ mà mỗi CB-CNV trong toàn Công ty phải thực hiện và sẽ là một yếu tố trong việc đánh giá KPI hàng tháng của mỗi CB-CNV làm việc tại Cty.

Điều 16 . Điều khoản thi hành :

1.      Phòng Hành chính-Nhân sự, Ban chấp hành Công đoàn, tuyên truyền hướng dẫn thực hiện quy chế này.
2.      Trưởng các Phòng, ban tổ chức quán triệt cho toàn bộ nhân viên của mình nắm rõ và thực hiện nghiêm túc qui chế này, đồng thời giám sát và tổ chức đánh giá sự tuân thủ của CB-CNV do mình quản lý hàng tháng (kết hợp với việc đánh giá KPI nhân viên). Bộ phận nào có CB-NV vi phạm, thì Trưởng bộ phận đó chịu trách nhiệm liên đới.
3.      Các bộ phận trong Cty có trách nhiệm giám sát chéo lẫn nhau và đề nghị xử lý vi phạm khi phát hiện.
4.      Các hành vi sai phạm trong từng trường hợp cụ thể sẽ được phòng HC-NS áp dụng các qui định phạt hiện hành hoặc đề xuất Giám đốc hình thức xử lý.
5.      Trong quá trình thực hiện, nếu có những kiến nghị sửa đổi, các bộ phận, cá nhân phản ánh về phòng Hành chính- Nhân sự để tổng hợp trình Giám đốc xem xét, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp. 

         6.   Qui chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.              

No comments:

Post a Comment

haccololong@gmail.com